Thông tin đối với hành khách
Để giúp hành khách xuất nhập cảnh (XNC) nắm rõ các quy định về thủ tục, tiêu chuẩn hành lý miễn thuế… Đại sứ quán xin cung cấp cho hành khách các thông tin sau đây để hành khách thực hiện đúng các quy định trong quá trình làm thủ tục XNC.
Khi đến Việt Nam
Nếu bạn là một hành khách đến một trong các sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế của Việt Nam hay qua các cửa khẩu ở biên giới, bạn có thể mang vào Việt Nam đồ dùng cá nhân theo quy định. Bạn cũng được mang ngoại tệ và tiền Việt Nam theo hạn mức cho phép. Nếu bạn có bất kỳ hàng hóa vượt quá các hạn mức cho phép hay hàng hóa bị hạn chế hoặc bị cấm xuất nhập khẩu, bạn phải xin phép và phải khai báo hàng hóa với cơ quan Hải quan.
Bạn vui lòng tham khảo danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu.
1. Đối với khách nhập cảnh: Khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách nhập cảnh phải làm các bước thủ tục sau:
Bước 1: Kiểm tra về y tế từ các vùng có dịch bệnh (nếu có).
Bước 2: Xuất trình hộ chiếu, khai báo địa điểm, thời gian tạm trú tại Việt Nam cho Công an xuất nhập cảnh để kiểm tra, đóng dấu thị thực hoặc cấp thị thực tại chỗ. Việc này được thực hiện ngay sau khi khách từ máy bay vào sân bay.
Bước 3: Sau khi đã đóng dấu thị thực, khách nhập cảnh đến nhận hành lý ký gửi tại băng chuyền.
Bước 4: Hành khách đưa hành lý từ băng chuyền ra khu vực soi chiếu hành lý của Hải quan. Hải quan sẽ thu thuế (nếu có); lập biên bản và xử lý vi phạm nếu phát hiện vi phạm.
Bước 5: Đi qua cửa kiểm soát của lực lượng An ninh trật tự để ra khỏi sân bay, vào nội địa.
2. Đối với hành lý thất lạc:
Các Hãng hàng không chịu trách nhiệm tìm kiếm hành lý thất lạc, nhầm lẫn để chuyển trả cho hành khách xuất nhập cảnh; tiếp nhận khiếu nại của hành khách, xử lý và bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hành lý bị mất, vỡ, hư hỏng.
Khi rời Việt Nam
Nếu bạn là một hành khách rời khỏi sân bay, cảng biển, cửa khẩu biên giới của Việt Nam, bạn không cần thực hiện thủ tục hải quan, trừ khi bạn đang có xuất khẩu hàng hóa vượt hạn mức và hàng hoá phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng liên quan. Bạn phải tuân thủ các quy định thông thường liên quan đến các loại hàng hoá được Chính phủ Việt Nam ban hành.
Bạn vui lòng tham khảo danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu.
1. Hành khách xuất cảnh: Khi xuất cảnh, hành khách phải thực hiện các bước thủ tục sau:
Bước 1: Xuất trình hộ chiếu, vé máy bay, hoá đơn hoặc code vé cho lực lượng an ninh trật tự tại cửa vào khu vực nhà ga đi quốc tế.
Bước 2: Làm thủ tục hàng không, cân hành lý, nhận thẻ lên tàu bay (Boarding Pass), biên nhận hành lý ký gửi (số lượng biên nhận tương đương với số kiện)… tại các quầy làm thủ tục cuả các Hãng hàng không. Định mức hay trọng lượng hành lý do các hãng hàng không quy định, ví dụ, hạng vé phổ thông khách được mang theo 01 kiện hành lý xách tay không quá 7kg, nếu vượt quá hành khách phải trả thêm phí vận chuyển cho Hãng hàng không.
Bước 3: Đưa hành lý ký gửi vào băng chuyền để Hải quan và An ninh hàng không đồng thời soi chiếu, kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản và xử lý tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
Bước 4: Đưa hành lý xách tay đến khu vực soi chiếu hành lý của Hải quan. Nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản và xử lý tuỳ theo từng trường hợp cụ thể hoặc thu thuế xuất khẩu (nếu có).
Bước 5: Xuất trình hộ chiếu, thẻ lên tàu bay, khai báo thời gian tạm trú tại quầy làm thủ tục xuất cảnh của Công an cửa khẩu để kiểm tra, đóng dấu thị thực.
Bước 6: Hành khách đưa hành lý xách tay qua máy soi của An ninh hàng không. Lực lượng này sẽ ngăn chặn vật liệu nguy hiểm (dao, kéo, kềm cắt móng tay…); Hành khách đi qua cửa từ của An ninh hàng không để kiểm tra người.
Bước 7: Hành khách vào khu vực chờ xuất trình thẻ lên tàu bay, hộ chiếu hay Chứng minh thư (nếu hành khách mang quốc tịch Việt Nam và có hộ khẩu tại Việt Nam) cho nhân viên Hãng hàng không để lên tàu bay.
Các cơ quan chức năng tại sân bay, cảng biển và biên giới
1. Công an cửa khẩu (Immigration): Kiểm tra hộ chiếu, cấp và đóng dấu thị thực; kiểm tra thời hạn tạm trú; kiểm soát người (không kiểm soát hành lý, hàng hoá nhập khẩu). Tại các cảng biển và cửa khẩu biên giới, Biên phòng cửa khẩu (Border Guard) sẽ thực hiện công việc như của Công an cửa khẩu tại sân bay.
2. Hải quan: Kiểm tra hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh để ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, kim loại quý, đá quý và hàng hóa qua biên giới như các mặt hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra giấy phép đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, hoàn thuế GTGT đối với hành lý của người xuất cảnh, thu thuế xuất nhập khẩu (nếu có) đối với hành lý của người xuất nhập cảnh.
3. An ninh sân bay: Kiểm tra người và hành lý của người xuất cảnh nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và an ninh tại sân bay (đảm bảo không có vũ khí, vật liệu nổ, hoá chất hoặc các loại hàng hoá, vật dụng khác có thể gây mất an toàn chuyến bay).
Các vật dụng nguy hiểm (bao gồm tất cả các loại dao, gồm cả các loại dùng để săn bắt và các loại dao khác, gươm, kiếm các loại, dùi cui, gậy hoặc những vật tương tự, bất kỳ một dụng cụ hoặc vật dụng mà thông thường không được coi là vật dụng nguy hiểm nhưng có thể sẽ trở thành nguy hiểm tuỳ theo mục đích sử dụng như kẹp đá, dao cạo, kéo các loại, búa kìm, kềm cắt móng tay… chỉ được phép vận chuyển dưới dạng hành lý ký gửi (nếu các hãng hàng không đồng ý
Tiêu chuẩn hành lý:
1. Định mức hành lý nhập khẩu miễn thuế
Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau:
a) Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít.
Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật;
b) Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu;
c) Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;
d) Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam.
– Tiền tệ: Về định mức tiền, theo khoản 1, điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12-8-2011 thì cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định (5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; 15 triệu đồng Việt Nam) phải khai báo Hải quan cửa khẩu.
2. Hàng hoá cấm nhập khẩu:
Danh mục hàng cấm nhập khẩu: Quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, ví dụ: vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, ma tuý, hàng tiêu dùng, vật tư, phương tiện đã qua sử dụng… và các mặt hàng khác do các Bộ, ngành quy định.
3. Hàng hoá nhập khẩu có điều kiện:
Danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện: Quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các Bộ, ngành quy định, ví dụ: hoá chất, thiết bị y tế, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, vật liệu nổ…
Đối với các mặt hàng tươi sống, động thực vật sẽ thực hiện theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm giấy phép nhập khẩu và kiểm dịch động, thực vật (Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT và Quyết định 15/2006/QĐ-BNNPTNT).
4. Định mức hành lý xuất khẩu miễn thuế:
Người xuất cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi, không thuộc Danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện theo quy định của pháp luật, được miễn thuế xuất khẩu không hạn chế định mức.
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)