Độc lập tự chủ và vai trò của công tác đối ngoại

Đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (Ảnh: TTXVN)

Bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 16/5/2021 đã phân tích sâu sắc về con đường phát triển của đất nước ta, đặc biệt là nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. 

Ngày 12/6/2021, tại Hội nghị Toàn quốc tại Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (Khoá XII)[1] về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về một số vấn đề cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, yêu cầu hiện nay đối với việc học tập và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các nội dung của các bài viết và bài phát biểu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng đối với việc tổng kết, phát triển lý luận, quá trình triển khai, thực hiện đường lối của Đại hội XIII của Đảng và đã nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá cao ở trong nước và trên quốc tế.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia – dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó”.

Tổng Bí thư khẳng định nội dung quan trọng hàng đầu của đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đó là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”. Nội dung đó thể hiện đậm nét tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại, trong đó có tầm nhìn quốc tế của Người, các tư tưởng về độc lập tự chủ và vai trò của công tác đối ngoại và bài viết dưới đây tập trung vào các bài viết, phát biểu, hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, thực tiễn hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta khi Người sinh thời.

1. Tầm nhìn quốc tế có vị trí đặc biệt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà nghiên cứu còn gọi đó là chủ nghĩa quốc tế. Năm 1911, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành mới tròn 21 tuổi đã quyết định đi ra quốc tế để tìm con đường đem lại tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (xuất bản năm 1927) đặt nền móng tư tưởng cho quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, đã dành nhiều phần để thông tin, phân tích về lịch sử cách mạng các nước, phong trào thế giới.

Đảng ta thường xuyên đánh giá tình hình quốc tế để xác định những thuận lợi và khó khăn, đặt cách mạng Việt Nam và sự nghiệp của dân tộc trong mối quan hệ tác động qua lại với cách mạng thế giới và những xu hướng quốc tế, từ đó đề ra đường lối phù hợp. Các văn kiện Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2 năm 1930) đã phân tích về mối quan hệ giữa các tầng lớp, giai cấp trong nước với với lực lượng bên ngoài nhằm xác định lực lượng, đối tượng của cách mạng, tình hình quốc tế, trong đó dự đoán “Cuộc chiến tranh đế quốc thứ hai đang được ráo riết chuẩn bị”[2] để đề ra nhiệm vụ của cách mạng. Cuối tháng 12 năm 1941, chiến tranh giữa Nhật với Mỹ, Anh nổ ra ở khu vực Thái Bình Dương, lan đến Đông Dương, Đảng ta nhận định “Cơ hội giải phóng của chúng ta đã đến[3]”. Ngày 12 tháng 3 năm 1945,  Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để tiến  tới Tổng khởi nghĩa. Trong hai cuộc kháng chiến hết sức cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xem xét vấn đề so sánh lực lượng giữa ta và đối phương trong cả bối cảnh của sự phát triển lớn mạnh của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa và đánh giá âm mưu, chiến lược của Mỹ ở Việt Nam trong tổng thể chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Lòng yêu chuộng hòa bình và phấn đấu cho hòa bình là quan điểm nhân văn nổi bật trong tầm nhìn quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người và Đảng ta luôn dành sự quan tâm hàng đầu cho vấn đề quốc tế về chiến tranh và hòa bình, khẳng định rõ quan điểm chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình đồng thời kiên quyết bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của dân tộc. Từ những năm 1930, Đảng ta cảnh báo về nguy cơ của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939-1945), đưa ra nhiều chỉ đạo trong Đảng, kêu gọi quần chúng ngăn ngừa cuộc chiến tranh đó và ủng hộ Liên Xô, các nước trong phe đồng minh chống phe phát xít gây chiến. Trong những năm 1945-1946, bảo vệ nền độc lập và chính quyền non trẻ trước sự chống phá của các lực lượng ở trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kiên trì, tìm nhiều biện pháp để tránh chiến tranh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…” Những tài liệu nay đã được công bố cho thấy rõ là sau khi Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương và kiên trì thực hiện Hiệp định, nhất là về việc hai miền tổ chức tổng tuyển cử và hòa bình thống nhất nước nhà. Bước vào cuộc kháng chiến của những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục yêu cầu phía Mỹ và chế độ miền nam thực hiện Hiệp định Genène, vận động hình thành mặt trận nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược, đem lại hòa bình ở Việt Nam, vừa đấu tranh chống xâm lược ở Việt Nam, vừa bảo vệ hòa bình thế giới, từng bước tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm” và tiến tới đàm phán với Mỹ, chế độ miền Nam và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào năm 1973.

Trong quan hệ với thế giới, sau khi nước nhà giành lại được độc lập vào năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây: … Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực[4]”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự đồng cảm đặc biệt đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức, thuộc địa. Người chỉ ra khả năng các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi và cần có sự liên kết giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các cương vị khác nhau và Đảng ta đã nhất quán ủng hộ mạnh mẽ và tin tưởng ở sức mạnh của phong trào giải phóng dân tộc.

Đối với hai dân tộc Lào và Campuchia cùng cảnh ngộ trên bán đảo Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc hết sức ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau nhưng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là một nguyên tắc. Về chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền [5]”.

Ngay từ quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ lập trường ủng hộ Chính quyền Xô viết ở Liên Xô và cách mạng Trung Quốc. Người cũng xác định độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hết lòng, hết sức ủng hộ các nước xã hội chủ nghĩa, đóng góp tích cực vào đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa và phát huy vai trò của các nước xã hội chủ nghĩa vào phong trào cách mạng, cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới đối với các mục tiêu tiến bộ chung.

Tầm nhìn quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối quốc tế của Đảng ta là khởi nguồn của tình cảm, sự kính trọng đặc biệt của các dân tộc, đông đảo nhân dân, các tầng lớp xã hội ở các nước trên các châu lục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ủng hộ rộng rãi đối với công cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đó cũng là những cơ sở lý luận và thực tiễn cho bài học kinh nghiệm mà ngày nay Đảng ta đã đúc kết là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.

2. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ý chí của dân tộc Việt Nam hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và cũng là mục tiêu phấn đấu hàng đầu của Đảng. Không có gì quý hơn độc lập, tự do và độc lập, tự chủ có mối liên hệ khăng khít, thể hiện xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại, vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc và phuơng pháp. Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chương trình tóm tắt của Đảng (năm 1930) đề ra mục tiêu “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “Việt Nam tự do” và Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1930) nêu nhiệm vụ cốt yếu là “Xứ Đông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận dân tộc tự quyết”. Nhưng, trước hết phải “có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO[6]”. Độc lập, tự chủ trước hết là ở tư duy, đường lối, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương”[7] và tránh “thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy[8]”. Cùng với đó là việc chuẩn bị và xây dựng lực lượng để có thể thực hiện được đường lối độc lập tự chủ.

Độc lập, tự chủ về tư duy, đường lối là một trong những nhân tố quyết định nhất, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, nhất là ở những thời điểm và giai đoạn bước ngoặt hoặc nhiều biến động, phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy con đường cứu nước khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa vào năm 1920, đó là: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, đồng thời vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam thì chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong giai đoạn đầu là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong bối cảnh phức tạp của những bất hoà giữa các nước xã hội chủ nghĩa, có những thời điểm lãnh đạo một số nước xã hội chủ nghĩa có những quan điểm chưa phù hợp tình hình chung của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và diễn biến phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề cao tinh thần độc lập tự chủ để đề ra đường lối đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta, phù hợp với tình hình quốc tế. Đảng ta đã nhận định thắng lợi của cuộc kháng chiến đó “trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo[9]”.

3. Từ tầm nhìn xa, trông rộng và sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh, những yêu cầu của đất nước, Người đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của công tác đối ngoại và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và là người thầy, nhà lãnh đạo vĩ đại của đối ngoại Việt Nam. Năm 1919 là thời điểm đặc biệt trong hoạt động đối ngoại của Người khi Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì lý do “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi”[10] và thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Một năm sau đó, tại Đại hội Tours (Pháp) của Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) vì “Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa . . . Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu[11]” cùng tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, theo đó Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản. Những năm tháng sau đó, dưới danh nghĩa người dân Việt Nam yêu nước, người cộng sản, Người hoạt động tích cực kêu gọi sự ủng hộ đối với cách mạng Việt Nam, chuẩn bị các mặt cho việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, xây dựng quan hệ với các Nhà nước, đảng phái, tổ chức, nhân dân các nước, và đóng góp vào công việc chung của quốc tế. Đó cũng là những hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1945, Bác Hồ phân tích “dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh[12]”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Người nêu rõ “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm[13]” và xác định: “Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng, nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng[14]”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo, vận dụng tài tình để phát huy sức mạnh của ngoại giao. Khi cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn ác liệt mới với việc Mỹ đưa quân chiến đấu trên bộ vào miền Nam Việt Nam, Hội nghị Trung ương 12 (Khoá III) tháng 12 năm 1965 giao nhiệm vụ “ta phải giữ vững quyết tâm chiến lược, đồng thời áp dụng sách lược đấu tranh chính trị và ngoại giao khôn khéo để phối hợp với đấu tranh quân sự, chủ động tiến công địch[15]”. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và ban hành riêng một nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 13 (Khoá III) tháng 1 năm 1967 về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công, trong đó nêu “đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc[16]”. Hội nghị Trung ương 16 (Khoá III) vào tháng 5 năm 1969 xác định “ngoại giao là một mặt trận quan trọng[17]”. Nội hàm của ngoại giao cũng là công tác đối ngoại gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được nêu trong đường lối mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đề ra và trong quá trình thực hiện. Phát triển mới, quan trọng về đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Đối ngoại Trung ương đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác của Đảng và đất nước. Ban Đối ngoại Trung ương hiện là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại, tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại trong hệ thống đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân. Các nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương là nghiên cứu tình hình các chính đảng và phong trào nhân dân thế giới, nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế, đề xuất kịp thời những đối sách của Đảng ta, chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các văn kiện đại hội, nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về lĩnh vực đối ngoại; chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu cụ thể hoá đường lối đối ngoại của Đảng; là một đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, dự báo về lĩnh vực đối ngoại trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thẩm định hoặc tham gia thẩm định các đề án trong lĩnh vực đối ngoại trong hệ thống chính trị trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, các quy chế, quy định về công tác đối ngoại của Đảng; quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại[18].

Cán bộ, đảng viên và người lao động của Ban Đối ngoại Trung ương nhận thức những nhiệm vụ được giao là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn. Ban Đối ngoại Trung ương đã triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ban đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, trong đó quán triệt yêu cầu của tình hình mới về việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược, thẩm định, hướng dẫn và kiểm tra đồng thời làm tốt các công việc thường xuyên khác. Những việc đó đòi hỏi Ban Đối ngoại Trung ương kế thừa những kết quả công tác đã đạt được, đồng thời đổi mới tư duy, tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ, cải tiến phương pháp công tác, điều chỉnh tổ chức, bộ máy và phát huy tinh thần hăng say, chuyên nghiệp và trách nhiệm công tác.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng ta về đối ngoại qua các giai đoạn cách mạng là những tài sản quý báu mà việc tiếp tục nghiên cứu sâu, theo nhiều khía cạnh sẽ giúp phát triển, làm phong phú thêm tư tưởng của Người, những tư tưởng, quan điểm của Đảng ta, đồng thời giúp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về những nhiệm vụ chuyên môn của công tác đối ngoại, từ theo dõi, đánh giá tình hình, để xuất về ứng phó, tham mưu chiến lược và tổ chức thực hiện để triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

————–

[1] Nghị quyết 05-CT/TW ngày 15/5/2016.
[2] Văn kiện Lời kêu gọi.
[3] Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 7, trang 233 (1940-1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000.
[4] Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 522, 523, Nxb Chính trị Quốc gia.
[5] Lời kêu gọi Liên hợp quốc, đã dẫn ở trên.
[6] Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, trang 595, Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội, năm 2011.
[7] Sửa đổi lối làm việc, năm 1947.
[8] Văn kiện đã dẫn ở trên.
[9] Báo cáo Chính trị của BCH TƯ khoá III tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, 1976.
[10] Hồ Chí Minh, Biên niên sử, Tập 1, trang 47, Nxb Chính trị Quôc gia Sự thật, Hà Nội năm 2016.
[11] Văn kiện đã dẫn ở trên, trang 86.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, trang 562, Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội, năm 2011.
[13] Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao, ngày 14 tháng 1 năm 1964.
[14] Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 1966.
[15] Nghị quyết Hội nghị Trung ương 12 (Khoá III) ngày 27 tháng 12 năm 1965 về tình hình và nhiệm vụ mới, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 26, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2003.
[16] Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 28, trang 174,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2003.
[17] Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 30, trang 104, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2004.
[18] Theo Quyết định số 112-QĐ/TW ngày 4 tháng 7 năm 2017 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương.